Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Tam giác mạch - “Cây du lịch và thoát nghèo” trên Cao nguyên đá

Bao đời nay, cây tam giác mạch mộc mạc, hồn nhiên nơi Cao nguyên đá (CNĐ). Cho đến một mùa, bước chân của những người yêu sự đặc biệt của CNĐ đã lay động loài cây lương thực này phô sắc màu. Chính vẻ đẹp ấy đã hút bao bước chân du khách đến với CNĐ. Đồng thời, góp phần giúp cho CNĐ Đồng Văn trở thành một điểm đến đầy hấp dẫn và vinh dự được Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu tái công nhận tư cách thành viên thời gian vừa qua.


Nhịp sống Cao nguyên.
“Cơn sốt” từ hoa tam giác mạch:

Có thể thấy, 2 – 3 năm trở lại đây, sắc màu riêng lạ của hoa tam giác mạch, đặc biệt ở các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, góp phần không nhỏ hút du khách đến với du lịch Hà Giang  mùa hoa tam giác mạch. Đặc biệt, năm 2014 này chứng kiến “cơn sốt” hoa tam giác mạch khi ngay từ tháng 8, tháng 9.2014, đã có những nhóm du khách tìm đến Hà Giang với nhu cầu được chiêm ngưỡng hoa tam giác mạch sớm mùa. Rộ nhất là mùa tháng 10, 11, cùng với việc CNĐ Đồng Văn được tái công nhận là thành viên Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu, mùa tam giác mạch đã khiến hệ thống nhà nghỉ, khách sạn từ thành phố Hà Giang cho đến CNĐ đã chật cứng, cũng như kín lịch đặt phòng đến tận tháng 12.2014. Thiếu nơi nghỉ, không ít du khách vẫn vô tư ngủ ở những nơi cộng cộng theo cách mà ta chỉ có thể nói, đó là vì tình yêu với hoa tam giác mạch và CNĐ.

Hoa tam giác mạch Hà Giang
Hoa tam giác mạch Hà Giang
Tam giác mạch là loại cây lương thực, ít được người dân gieo trồng bởi năng suất thấp hơn nhiều so với các loại cây như ngô, lúa. Có lẽ, từ khi CNĐ Đồng Văn trở thành Công viên địa chất Toàn cầu, giúp cho tam giác mạch bước ra khỏi cuộc sống bình lặng bao đời. Cùng với vẻ đẹp tự nhiên, đằm thắm mà không kiêu sa, báo chí và các mạng xã hội đã góp phần tạo nên sức hút kỳ lạ của hoa tam giác mạch. Ở CNĐ những năm qua, đã có rất nhiều điều ẩn chứa, và hoa tam giác mạch là một ẩn chứa được phát lộ bởi tình yêu, niềm đam mê của du khách. Từ đó, đã biến loài cây bình dị này trở thành “cây đặc biệt”, và theo chúng tôi, với hiện tượng du lịch mà nó góp phần tạo nên, có lẽ nó nên được coi là “cây du lịch - cây thoát nghèo”. Bởi, trong khi một số tỉnh như Lào Cai, Cao Bằng..., cũng có tam giác mạch, nhưng lại không thể hấp dẫn như ở Hà Giang. Phải chăng, chỉ có “điểm tựa” của đá mới làm cho loài cây này trở nên đặc biệt hơn!?.

Cần một cơ chế để phát triển:
Nhận thấy những tiềm năng, những năm qua một số huyện như: Đồng Văn, Mèo Vạc đã có những “tiểu cơ chế” khuyến khích, giúp người dân phát triển cây tam giác mạch để làm “Cây du lịch”, giúp nhiều hộ có nguồn thu khá hơn trồng ngô và nhiều cây khác. Thực tế, trong khi một số địa điểm du lịch ở tỉnh ta đang trở nên quen thuộc, thì sự xuất hiện của tam giác mạch như tạo nên sức hút mới cho du lịch Hà Giang. Hưởng lợi là những người trồng, nhưng lợi nhiều nhất phải kể đến các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ ăn theo khi liên tục trong tình trạng quá tải. Như vậy, dù chưa cần mất nhiều công xây dựng, cây tam giác mạch đã trở thành sản phẩm du lịch và có thể nói là sản phẩm “siêu hạng”. Và tự nó đã trả lời câu hỏi của nhiều địa phương, phát triển “cây gì, con gì”. Chị Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết, Ngành Văn hóa đang nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển hoa tam giác mạch cùng với các sản phẩm từ loài cây này này gắn với du lịch. Đồng thời, ý tưởng về một lễ hội hoa tam giác mạch trên CNĐ cũng đang được hình thành, góp phần xây dựng du lịch Hà Giang cởi mở đón khách trong cả 4 mùa...

Trẻ em ở Cao nguyên Đá Đồng Văn
Trẻ em ở Cao nguyên Đá Đồng Văn

Có thể thấy tiềm năng của tam giác mạch như một “cây du lịch - cây thoát nghèo” của Hà Giang. Nhưng, nhìn vào thực tế vẫn nhận thấy những chăn trở. Hình ảnh từng chủ ruộng đứng thu 10.000đ/lượt du khách vào thăm, chụp hình tam giác mạch, hay nhiều ruộng tam giác mạch bị ngắt hoa, bẻ cành, dẫm đạp bởi một số du khách thiếu ý thức như xé lẻ bức tranh đẹp hồn nhiên của CNĐ. Anh Cù Duy Dũng, một du khách từ Hải Phòng chia sẻ, đến với một nơi đầy cảm xúc như CNĐ, chúng tôi có thể trả 100.000đ hoặc hơn thế, nhưng cứ đến mỗi ruộng hoa lại móc ra tờ 10.000đ, cảm giác nhỏ vụn và thực tế quá. Trở về sau những giờ ngắm các ruộng tam giác mạch lẻ tẻ, là nỗi lo về phòng nghỉ, sự loay hoay tìm các quán ăn và cả đâu đó một vài khuôn mặt thiếu nụ cười của người phục vụ. Ông bà Bentder cùng nhóm du khách đến từ Đan Mạch, khi ngồi ở Phố Cổ Đồng Văn, thấy tôi là người Hà Giang, sử dụng chút vốn ít ỏi tiếng Anh, họ bày tỏ ngạc nhiên và cho biết, đi hết cả CNĐ, mới thấy một người nói... tiếng Anh. Những điều trên phải chăng cho thấy điểm yếu cố hữu của chúng ta về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và tư duy du lịch!?.

Tham khảo thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch Hà Giang mùa tam giác mạch
Từ thực tế về hoa tam giác mạch – “cây du lịch – cây thoát nghèo”, để có thể khai thác tiềm năng, tránh để vuột mất cơ hội, nên chăng các ngành chức năng cần nhanh chóng tham mưu cho tỉnh một cơ chế, chính sách đặc thù phát triển loại cây này, “quy hoạch” vùng trồng để tập trung hỗ trợ; trồng rải vụ, gối vụ để kéo dài mùa tam giác mạch, nên trồng hoa ở các khu vực có làng văn hóa du lịch cộng đồng, khu “home stay”; nghiên cứu xây dựng các tổ hợp tác, tổ dịch vụ ở vùng trồng tam giác mạch để thu phí tập trung, tránh thu manh mún theo từng hộ. Kêu gọi chia sẻ lợi ích từ các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở dịch vụ du lịch đối với những người trồng tam giác mạch để giúp các hộ tái đầu tư trồng, thu hút du khách... Bên cạnh tam giác mạch, chúng ta cũng cần nghĩ đến việc phát triển, nhân rộng các loài hoa bản địa khác. Qua đó, góp phần xây dựng, phát triển Công viên địa chất Toàn cầu CNĐ Đồng Văn một cách bền vững.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét